Văn hóa ẩm thực của người Sài Gòn khá phóng khoáng nên họ dễ dàng đón nhận những món ăn truyền thống ở vùng miền khác du nhập vào, tuy nhiên nếu không có điều gì đặc biệt và không hợp khẩu vị của phần lớn người miền Nam, các món ăn cũng chỉ gây được tiếng vang trong một thời gian ngắn. Món bún đậu mắm tôm cũng không phải ngoại lệ.
Xuất hiện vào đầu năm 2013, bún đậu mắm tôm đã khuấy đảo làng ẩm thực Sài Gòn, nhanh chóng trở thành một "hiện tượng". Tạo dấu ấn ở vùng đất mới trong khoảng hơn 1 năm, bún đậu mắm tôm đã làm thay đổi thói quen khi món ăn này không còn là ăn vặt theo trào lưu nữa mà đã trở thành bữa ăn chính trong ngày của nhiều người.
Nguồn gốc của bún đậu mắm tôm xuất xứ từ Hà Nội, đây cũng được xem là món ăn đặc trưng của người dân nơi đây. Mặc dù là món ăn du nhập từ miền Bắc, có mùi vị rất khác lạ so với cách chế biến thông thường của người miền Nam nhưng quán bún đậu nào ở Sài Gòn cũng đều đông khách từ lúc khai trương.
Người đưa bún đậu mắm tôm "khai phá lập địa" ở Sài Gòn chính là người mẫu Trang Trần với quán bún đậu đầu tiên nằm ở đường Cống Quỳnh mang tên "Cô Khàn". Công thức và cách chế biến y hệt bún đậu ngoài Hà Nội, khiến cả những ngôi sao Nam lẫn Bắc ùn ùn kéo đến ủng hộ, và món bún đậu mắm tôm cũng từ đó nổi lên như cồn.
Sau đó, hàng loạt hàng quán mới khác cũng mọc lên khắp nơi, từ vỉa hè đến nhà hàng, đâu đâu người ta cũng kháo nhau về một món Bắc vừa đáp vào Nam. Từ đường Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão (Q.1) cho đến Pasteur, Lý Chính Thắng (Q.3), Hồng Hà (Q.Tân Bình), Phan Xích Long (Quận Phú Nhuận)… đâu đâu cũng có hàng bún đậu mắm tôm. Dù có cùng công thức, giá cả không chênh lệch là mấy, tuy nhiên phong cách và thói quen thưởng thức bún đậu mắm tôm ở cả hai miền đều có sự khác biệt.
Người Sài Gòn ăn bún đậu bất kể ngày giờ
Nếu người Hà Nội kiêng ăn bún đậu mắm tôm vào mồng 1, thì người Sài Gòn thường không quá chú trọng ngày tháng. "Cứ thèm thì đi ăn!", là phong cách thưởng thức bún đậu ở Sài Gòn.
Nhiều thực khách Sài Gòn mới lần đầu thưởng thức bún đậu mắm tôm đã mê mẩn bởi hương vị lạ, bún và đậu hũ đều là món nguội dễ chế biến. Chị Tăng Thị Nhi (quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Thật ra mới nghe "PR" rầm rộ trên facebook tôi cũng không định đi ăn đâu vì sợ không thích nghi được với món... mắm tôm. Nhưng khi ăn thử một lần thấy cũng ngon, vì mình là người miền Nam cảm nhận món ăn cũng độc lạ. Tôi thường ăn vào tất cả thời điểm trong ngày, thích thì đi ăn chứ không quy định giờ giấc".
Người Sài Gòn ăn bún đậu mắm tôm bất cứ lúc nào cảm thấy thèm và đói, không cần biết là trưa chiều hay tối.
Còn theo lời chia sẻ của chủ quán bún đậu mắm tôm trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), chị cho biết hầu hết người thích món ăn này là dân công sở và giới trẻ. Dân công sở thường ăn trưa, nhất là khi có hàng bún đậu mắm tôm gần công ty là trưa nào cũng đông nghịt khách. Trong khi đó giới trẻ thường chọn ăn vào buổi tối, kể cả buổi sáng.
"Có một sự khác biệt rất dễ nhận thấy là ở Hà Nội, khi ăn bún đậu buổi trưa thì người ta luôn chọn phần ăn đơn giản nhất, chỉ để ăn cho vui. Trong khi đó ở Sài Gòn có nhiều người làm công việc tự do, giờ giấc linh hoạt nên họ thức dậy khá muộn và bắt đầu thưởng thức bún đậu từ 10 giờ sáng (giờ mở cửa), khi đó nhiều người vẫn gọi phần ăn đầy đủ để no bụng đến chiều", anh Trung, người Hải Dương đã làm việc ở Sài Gòn 13 năm nay, cho biết.
Một phần bún đậu mắm tôm rẻ nhất chỉ gồm đậu hũ, bún, rau, dưa leo, mắm tôm và nước uống có giá gần 50.000 đồng.
Hà Nội bún đậu ngõ hẻm, Sài Gòn quán xá khang trang
Có thể thấy hiện nay hầu hết các hàng quán bún đậu mắm tôm ở Sài Gòn có lượng khách không nhiều như thời điểm mới xuất hiện. Các quán mở theo kiểu "ăn theo", không chế biến đúng kiểu, nằm ở vị trí không thuận lợi, thì nhanh chóng dẹp tiệm. Riêng những quán bún đậu có tiếng vẫn trụ vững với lượng khách khá ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại ở Sài Gòn có khoảng trên dưới 30 quán bún đậu mắm tôm và hầu hết khách quen đều là người gốc Bắc.
Đặc trưng hàng quán bún đậu mắm tôm ở Hà Nội là nằm ở những ngõ nhỏ, phố nhỏ, bàn ghế nhựa đơn giản nhưng lúc nào khách cũng ngồi kín cả vỉa đường, chen chúc trong không gian chật hẹp nhưng đối với người dân Thủ đô thì thưởng thức bún đậu ở không gian như thế mới... đúng kiểu.
Hầu hết các quán bún đậu có tiếng ở Hà Nội đều bán ở các ngõ nhỏ, phố nhỏ với bàn ghế nhựa đơn giản.
Trong khi đó, vì có tuổi đời ít hơn nên để thu hút sự chú ý của người dân Sài Gòn, những người kinh doanh bún đậu đều chọn mặt bằng rộng rãi ở những con đường nhộn nhịp của thành phố. Ngoài ra, quán còn phải được bày trí bắt mắt, bàn ghế lịch sự, không gian mát mẻ và phần mặt tiền được sơn phết các tông màu nổi bật để gây sự chú ý với người qua đường.
Trong khi đó, các quán bún đậu ở Sài Gòn đều nằm ở vị trí đẹp ngoài mặt tiền đường, bày trí bắt mắt và bàn ghế khang trang lịch sự.
Thậm chí, một số quán bún đậu ở Sài Gòn có phong cách như một nhà hàng nhỏ với bàn ghế cao, quán có máy lạnh, phục vụ nhiều mặt hàng thức uống đa dạng chứ không chỉ bán các món nước mơ, nước sấu đặc trưng ngoài Hà Nội.
"Sài Gòn nóng quanh năm nên buổi trưa mà phải ngồi lay lắt vỉa hè ăn bún đậu thì rất ngột ngạt. Vả lại một khay bún đậu, mắm tôm, chả thịt và rau thì rất chiếm diện tích nên có một cái bàn đủ rộng để ăn uống thì thoải mái hơn", một thực khách thưởng thức bún đậu máy lạnh ở quán R.Đ trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, chia sẻ.
Không thích ra quán thì gọi... giao hàng tận nơi
Do điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường ở Sài Gòn nên người dân cũng có xu huớng mua thức ăn mang về nhà hoặc tiện lợi hơn là chỉ việc ngồi ở nhà "Alo" dịch vụ giao hàng tận nơi. Các quán bún đậu mắm tôm ở Sài Gòn để đảm bảo doanh thu mỗi ngày thì không thể bỏ qua dịch vụ giao hàng tận nơi cho các "thượng đế".
Về lý do vì sao ở Hà Nội không có dịch vụ này, chị Thanh, nhân viên văn phòng ở Hà Nội chia sẻ: "Có thể vì không có nhiều người order nên đi giao số lượng ít thì không lời lãi được bao nhiêu, lại mất thời gian. Thêm nữa đó là phải chuẩn bị hộp đựng, bọc nilon, và nhất là có thêm mắm tôm nên lúc vận chuyển dễ xảy ra rủi ro, nếu giao hàng cho khách mà mắm tôm chẳng may bị đổ ra hộp bún thì sẽ bị phàn nàn ngay".
Riêng tại Sài Gòn, dịch vụ này lại được nhiều người ưa chuộng và mỗi quán có một cách "đóng gói" phần ăn mang đi khác nhau. Đa phần các quán ăn sẽ cho bún vào riêng một hộp, đậu và thịt, chả một hộp, riêng phần mắm tôm thì đóng gói kỹ vào bọc nhỏ hoặc ly nhựa có nắp đậy thật khít.
- Bún đậu Cầu Gỗ - Hương vị Bắc chuẩn nhất Sài Gòn (01.01.1970)
- Văn hóa ẩm thực VIỆT NAM (01.01.1970)